Truyện cổ tích Việt Nam: Lôc Giác Chân Nhân
Ngày xưa, ở đất Cao Bằng, có một người tiều phu mộc mạc hiền lành và
hiếu thảo. Anh có một bà mẹ già hay đau ốm. Thầy thuốc bảo là cần có sữa
nai tẩm bổ, mới mong chữa lành bệnh cho mẹ. Anh không quản ngại khó
khăn, mỗi ngày vào rừng quyết tâm đi tìm kiếm sữa nai về cho mẹ, nhưng
rất khó vì vừa thấy bóng người, nai đã bỏ chạy mất rồi.
Không lấy được sữa nai, người tiều phu buồn bực, không dám về nhà.
Anh ngồi giữa rừng ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, thấy có một ông lão chống
gậy đến bảo rằng: “Nếu con muốn có sữa nai thì phải mang lốt nai, mới
đến gần loài nai được”. Rồi ông lão trao cho anh tiều phu một bộ da nai
khoác vào người.
Anh làm theo và quả nhiên, sau đó, anh lại gần được các con nai cái,
vắt được nhiều sữa đem về nhà chữa bệnh cho mẹ già. Một hôm, ông lão lại
hiện ra, ngỏ lời khen lòng hiếu thảo của anh, rồi truyền cho anh các
phép đạo thần tiên. Anh học thuộc lòng, không nói cho ai hay biết. Sau
khi mẹ già qua đời, anh liền bỏ đi lên núi biền biệt, không trở về nhà
nữa.
Sau đó khá lâu, một hôm, có một người con của ông tiều phu vào núi
lấy củi. Anh bỗng gặp một con nai nói được tiếng người. Nai bảo: “Cha
đây. Cha đã hoá thành nai rồi, không thể trở lại lốt người được nữa. Cha
cho con cái gạc (sừng) đây, con hãy buộc dây mà kéo về. Đến chỗ nào mà
gạc vướng, không đi được nữa, thì con hãy lấy chỗ đất ấy mà khai khẩn
làm ăn, về sau sẽ khá”.
Nói xong, con nai húc đầu vào thân cây cho rụng gạc ra. Rồi nai biến
mất vào rừng sâu. Người con trai vâng lời, làm theo nai dặn. Quả nhiên,
về sau được sung túc. Người đời khi biết chuyện, đã gọi người tiều phu
hoá nai là Lộc Giác Chân Nhân, cho rằng ông đã tu luyện được thành tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét